Ghé qua phòng ăn (pantry) của Teko, nhiều vị khách không khỏi bất ngờ bởi chế độ dinh dưỡng phong phú với bánh mì, sữa chua, sữa tươi, mì tôm và hoa quả theo mùa ngập tràn dành cho các thành viên. Đây là một điểm cộng đối với các lập trình viên bận rộn, có thể bổ sung năng lượng làm việc tức thì trong nhịp độ liên tục của dự án.

Nhưng việc cung cấp khối lượng thực phẩm lớn cho thành viên lên đến gần 300 người ở hai miền cũng tạo ra lượng rác thải tiêu dùng khá lớn, đặc biệt là lượng rác thải vô cơ từ túi nilong, vỏ hộp. Xuất phát từ hiện trạng này, nhóm các thành viên trẻ yêu môi trường tại Teko đã thành lập nên Tek-Green: nhóm thu gom tái chế vỏ sữa thu thập từ pantry.  

Hành trình hồi sinh những chiếc vỏ hộp

Qua cuộc trò chuyện với nhóm thành viên của Tek-Green, tôi biết được thói quen phân loại hộp sữa có từ khá lâu tại Teko. Ban đầu, một vài thành viên yêu môi trường chủ động lượm lại các vỏ hộp và làm sạch 1-2 lần/tuần trước khi chuyển đến các điểm tái chế tập trung. Dần dà, các thành viên khác cũng tham gia cùng và xây dựng nên thói quen gấp gọn hộp sữa sau khi sử dụng tại công ty. Cho đến hiện tại, nhóm đã duy trì được hoạt động đều đặn hàng ngày với các thành viên tình nguyện dành ra 20 phút cuối ngày cho việc rửa vỏ sữa và mang đi tái chế.

"Tái chế ở mức độ cá nhân thì số lượng và chất lượng có thể tái chếkhông nhiều. Mỗi 1 vỏ lon, vỏ chai có thể dùng làm chậu trồng cây, vật dụng cá nhân nhưng ở quy mô gia đình thì không thấm là bao so với nguồn rác chúng ta có. Sau khi tìm hiểu, nhóm đã kết nối được với các đơn vị hỗ trợ tái chế.  Phần lớn rác thải vô cơ như vỏ mì tôm, vỏ hộp sữa chua đều có thể tái chế nếu chúng ta bỏ công sức và phân loại được rác thải từ nguồn" - Vũ Thị Thanh Duyên, một thành viên từ nhóm chia sẻ.

Và con đường đang bật lên những mầm xanh mới

Việc tái chế ban đầu là ý định cá nhân, mỗi thành viên tự bỏ thời gian cuối ngày để làm việc này. Khi hỏi về động lực làm việc, Nguyễn Hồng Ngọc - một thành viên của nhóm chia sẻ: "Em nghĩ động lực đến từ việc mình nhìn thấy hàng ngày thôi. Gần đây việc các con phố ngập trong rác vì không đến được nơi xử lý được nhắc đến rất nhiều. Nếu rác thải được phân loại, đến với nơi cần nó thì chúng ta sẽ thêm được một mảng màu sạch đẹp. Nếu chúng ta không có trách nhiệm thì rồi con cháu mình và chính mình phải sống trên đống rác. Như vậy thì thật khủng khiếp."

Với công nghệ tách bột giấy khỏi nhôm và nhựa, các nhà sản xuất giấy và bao bì trong nước đã bắt đầu tái chế thành công nguồn nguyên liệu sản xuất giấy, tấm lợp mái nhà từ vỏ hộp sữa tươi, nước uống và vỏ hộp giấy. (Nguồn: Internet)

Một số gợi ý sống xanh từ nhóm Tek-Green

Để sống xanh, nghĩ khó mà không khó. Những hành động nhỏ cũng có thể mang lại hiệu ứng tích cực tới những người xung quang như bỏ lại 1 chiếc túi bóng khi mua đồ ở siêu thị, dùng mì gói thay vì mì đóng trong hộp giấy, tìm kiếm giẻ lau thay vì giấy ăn.

#1 Hạn chế sử dụng đồ nhựa. Nếu bất đắc dĩ phải dùng, hãy mang tới những chương trình tái chế, đổi rác lấy quà như Green life - HN (https://www.facebook.com/Green-Life-564295697332479/) hoặc Đổi rác lấy quà - HCM (https://www.facebook.com/doiraclayqua/)
#2 Đổi pin cũ - lấy pin mới tại bàn admin
#3 Tham gia tái chế vỏ hộp sữa cùng Tek-Green by TEKO

Ngoài hoạt động thu gom vỏ sữa, nhóm Tek-Green cũng đang ấp ủ thêm 1 số dự định mới như mở rộng quy mô thu gom sang các công ty lân cận, bổ sung thêm loại rác thải có thể phân loại, hoặc tổ chức các chương trình cộng đồng để gieo thêm những mầm xanh. Tuy nhiên lực lượng của nhóm hiện tại còn ít, rất cần cánh tay của mọi người để những ý tưởng, hành động đc lan tỏa hơn. Hãy gia nhập cùng Tek-Green để có thể đóng góp nhiều hơn cho hoạt động ý nghĩa này của các bạn nhé!